Hệ thống phân loại nến (candles) dựa trên hình thức và ứng dụng.

phân loại nến dựa vào hình thức - Green Garden

Nến (đèn cầy – candles) là một vật dụng quen thuộc trong đời sống con người từ hàng nghìn năm nay. Chúng không chỉ cung cấp ánh sáng mà còn mang giá trị thẩm mỹ, tạo bầu không khí ấm cúng và góp phần tạo nên những nghi lễ, phong tục tập quán độc đáo. Nến được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trang trí nhà cửa, tạo hương thơm, phục vụ các nghi lễ tôn giáo, thiền định, v.v. Vì vậy việc phân loại nến là việc cần thiết.

Hiện nay, có rất nhiều tiêu chí để phân loại nến, như phân loại theo nguyên liệu, theo tỷ lệ tinh dầu, theo nơi xuất xứ, theo giá bán v.v… Bài viết này đề xuất hệ thống phân loại nến dựa trên hai tiêu chí chính: hình thức và ứng dụng. Hệ thống phân loại này được xây dựng dựa trên nghiên cứu về các loại nến phổ biến trên thị trường, kết hợp với các tiêu chí ứng dụng và thực tiễn.

Đọc thêm:

Có bao nhiêu loại nến (candles – đèn cầy)?

Trên thị trường nến hiện tại, nến (candles – đèn cầy) có rất nhiều loại khác nhau. Cách phân loại nến trên thị trường chủ yếu dựa vào nguyên liệu của nến, dựa vào nguyên liệu mà người mua lẫn người bán có thể dễ dàng ước lượng giá tiền của một cây nến. Ngoài ra, có một cách phân loại nến khác là dựa vào mục đích sử dụng như sau:

  1. Nến dùng cho nghi lễ tôn giáo, tâm linh: Đây là loại nến truyền thống, thường được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, v.v. Nến loại này thường có màu trắng hoặc vàng, không có nhiều thay đổi về hình thức hay mục đích sử dụng. Tuy nhiên, có thay đổi về nguyên liệu và phương pháp sản xuất. Các loại nến được thắp mỗi ngày trong đền thờ, chùa, nhà thờ Công giáo được xếp vào loại nến này.
  2. Nến dùng cho mục đích sử dụng cá nhân: Loại nến này bao gồm nến trang trí nhà cửa, nến thơm, nến thiền định, v.v. Nến này được sử dụng cho không gian riêng tư và cho mục đích cá nhân. Các loại nến này có vô số biến thể về hình dáng, kích thước, màu sắc, mùi thơm và hình thức.
  3. Nến dùng cho sự kiện: Loại nến này bao gồm nến sinh nhật, nến thả đèn trôi sông, nến cầu nguyện, v.v. Nến này thường được sử dụng trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ hội, v.v. Loại nến này khác với loại nến dùng cho nghi lễ tôn giáo ở trên.

Ngoài 2 cách phân loại trên, ở các nước phương Tây đã đưa ra phân loại nến dựa vào hình thức bên ngoài của cây nến, như sau:

  • Nến trụ (pillar candles)
  • Nến thon (taper candles)
  • Nến chuông (chime candles)
  • Nến ly (container candles)
  • Nến tealight (tea light candles)
  • Nến nổi (floating candles)
  • Nến trang trí (novelty candles)
phân loại nến dựa vào hình thức - Green Garden
phân loại nến dựa vào hình thức – Green Garden

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào định nghĩa và phân loại nến dựa trên cách làm của các nhà sản xuất nến phương Tây.

1. Nến trụ (pillar candles).

Nến trụ (Pillar candles) là loại nến làm từ sáp cứng, hình trụ và có thể tự đứng được mà không cần vật chứa hay phụ kiện. Nến trụ có thể được làm với nhiều kích cỡ (size), hình dạng (shape) và chiều cao (height) khác nhau, nhưng bạn sẽ chủ yếu thấy chúng có dạng hình trụ tròn (cylinder-like shape) với một bấc.

nến trụ - pillar candle - green garden
nến trụ – pillar candle

Điểm mạnh của nến trụ (pillar candles): thời gian cháy lâu, khả năng linh hoạt và đứng độc lập là thế mạnh của nến trụ. Do thường có đường kính to và cao nên thời gian cháy sẽ là điểm mạnh nhất của loại nến này.

Nhược điểm của nến trụ (pillar candles):

  • Dễ xảy ra hiện tượng “đường hầm nến” (candle tunneling), là hiện tượng cây nến có kích thước lớn nên chỉ có phần sáp ở giữa cháy được, còn phần viền vẫn còn nguyên vẹn.
  • Bị chảy sáp xuống thân: nến trụ rất dễ bị chảy sáp.
  • Ngoài ra một số loại nến trụ còn cần được cắt tỉa bấc sau mỗi lần thắp .

Loại sáp thường dùng làm nến trụ (pillar candles): Do có khối lượng nặng và cao, nên các nhà sản xuất thường dùng các loại sáp cứng để làm loại nến này: Sáp ong (beeswax), sáp paraffin, sáp đậu nành (soy wax).

Loại bấc (tim đèn cầy) dùng cho nến trụ (pillar candles): để hạn chế việc phần nến ở rìa ngoài của nến trụ cháy không hết, các nhà sản xuất thường dùng loại bấc vuông hoặc bấc có lõi kẽm cho loại nến này.

Kích thước thường thấy: Nến trụ có thể được làm với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau do độ cứng của sáp được sử dụng. Thông thường sản phẩm có đường kính từ 5 đến 10 cm và chiều cao từ 7,5 đến 23 cm.

Thời gian cháy: đối với một cây nến trụ điển hình, thời gian cháy là khoảng 50 đến 60 giờ .

Ứng Dụng: Nến trụ là một loại nến thông dụng nhất, có thể dùng trong mục đích cá nhân lẫn tôn giáo.

Lưu ý khi sử dụng nến trụ:

  • Đặt nến trụ trên bề mặt phẳng, tránh rung lắc.
  • Cắt bấc nến trước khi thắp để đảm bảo ngọn lửa cháy đều.
  • Không để nến trụ cháy hết hoàn toàn, nên tắt nến khi còn lại khoảng 2,5 cm.
  • Để nến trụ nguội hoàn toàn trước khi di chuyển hoặc cất giữ.

2. Nến thon (taper candles).

Nến thon (Taper candles) hay còn gọi là nến nhọn, nến côn, là loại nến có thân dài, thon dần về phía đầu tạo thành một hình dạng tinh tế và thanh lịch. Loại nến này một trong những loại nến lâu đời nhất và đã được sử dụng làm nguồn chiếu sáng trong nhiều thiên niên kỷ. Ngoài ra, Nến thon là loại nến không bị chảy sáp xuống thân nến và khi đốt phải kèm theo chân nến (candle holder)

Ngày xưa, nến thon được sản xuất bằng cách nhúng bấc (tim đèn cầy) vào hồ sáp nhiều lần để đạt được độ côn như ý. Ngày nay, các nhà sản xuất dùng khuông để sản xuất nến thon.

nến thon - taper candle - green garden-01
nến thon – taper candle

Điểm mạnh của nến trụ (pillar candles):

  • Hình dáng thanh lịch và tinh tế là điểm mạnh nhất của loại nến này.
  • Không bị chảy sáp xuống thân nến khi thắp: nến được làm từ các loại sáp có nhiệt độ nóng chảy cao cùng với độ côn của thân nến, vì vậy sáp tan và cháy ngay gần ngọn lửa chứ không chảy khắp thân nến.

Nhược điểm của nến thon (taper candles):

  • Nến thon phải đi kèm chân nến (candles holder), vì mặt tiếp xúc nhỏ nên khi thắp cần phải có chân nến. Do vậy nến thon không có tính linh hoạt.
  • Nến thon dễ bị cong trong quá trình vận chuyển hay lưu trữ, khi bị cong thì nến thon vẫn bị chảy sáp như bình thường.

Loại sáp (wax) và bấc (wick) thường dùng làm nến thon (taper candles): sáp ong (beeswax) hoặc sáp paraffin kết hợp với bấc cotton bện phẳng (Flat Braided Wicks) là sự kết hợp tốt nhất.

Kích thước thường thấy: nến thon (taper candles) Thường có chiều cao từ 15cm – 45cm, chiều cao phổ biến nhất là 30cm.

Thời gian cháy: một cây nến thon (taper candle) dài 30cm thường có thời gian cháy lên đến 12 giờ đồng hồ.

Ứng dụng: Nến thon (taper candle) là loại nến cổ nhất và thông dụng nhất ở phương Tây. Thời cổ đến trung đại, nến thon thường được sử dụng cho bàn ăn gia đình hoặc thắp liên tục trong các nhà thờ. Ngày nay, loại nến này thường được thắp trong các nhà hàng cao cấp vì không bị chảy sáp xuống bàn hoặc dùng để trang trí để tạo các bối cảnh sang trọng và giàu có.

Lưu ý khi sử dụng nến thon:

  • Sử dụng chân đèn đúng kích thước.
  • Ghim chắc nến vào chân đèn trước khi thắp
  • Giữ nến thẳng trên chân đèn
  • thay nến mới khi nến cũ còn 2-3cm

3. Nến chuông (chime candles).

Nến chuông (Chime candles), hay còn gọi là nến ước nguyện (Wish candles), là loại nến có kích thước nhỏ gọn, hình trụ thon dài, phần trên cùng của nến giống như một cái chuông nhỏ. Loại nến này là loại nến chuyên dùng trong các nghi lễ tôn giáo, tâm linh hoặc trừ tà của người phương Tây. Đây cũng là loại nến phổ biến nhất ở Việt Nam, có lẽ khi người Pháp đưa đạo Công Giáo vào Việt Nam, mẫu nến này cũng từ đó trở thành mẫu nến “quốc dân” của người Việt cho đến ngày nay.

Ở Việt Nam, từ “đèn cầy” là từ dùng để chỉ đích danh loại nến này. Từ nến chuông (chime candle) có thể là do phần ngọn của loại nến này giống một cái chuông nhỏ. Mẫu thiết kế nến chuông là sự dung hợp giữa nến cột (pillar candles) và nến thon (taper candles) nên nó có những điểm mạnh và khắc phục được điểm yếu của 2 loại nến kia.

nến chuông - chime candle - green garden-01
nến chuông – chime candle

Điểm mạnh của nến chuông (chime candles):

  • Có thể tự đứng được ở các chổ phẳng mà không cần chân đèn (dĩ nhiên là ta cần nhỏ một vài giọt sáp xuống, sau đó đặt nến lên).
  • Có thể cầm trực tiếp trên tay: vì mục đích của loại nến này là để cầu nguyện, nên cây nến được thiết kế để cầm trong thời gian ngắn.

Nhược điểm của nến chuông (chime candles):

  • Giống như nến thon, loại nến này vẫn rất dễ bị cong trong quá trình bảo quản và vận chuyển.
  • Bị chảy sáp xuống thân, nhưng ít hơn nến cột.

Loại sáp (wax) và bấc (wick) thường dùng làm nến chuông (chime candles): sáp paraffin kết hợp với bấc cotton xoắn (Twisted Wicks) là sự kết hợp thường thấy nhất. Trong một số câu chuyện cổ kể lại, các bà phù thủy thường cho thêm mỡ và máu động vật vào trong loại nến này để luyện phép.

Kích thước thường thấy: ở phương Tây loại nến chuông này thường chỉ thấy có 1 kích thước là 12cm x 2.5 cm. ở Việt Nam loại nến này có nhiều kích thước đa dạng hơn, từ 5cm – 30cm đều có.

Thời gian cháy: một cây nến chuông có chiều dài 12cm thường có thể cháy được trong 45p – 60p.

Ứng Dụng: ở châu Âu và Mỹ, nến chuông (chime candles) là loại nến chuyên dùng trong tôn giáo hoặc trong các sự kiện tâm linh như cầu nguyện, làm phép hoặc trừ tà vì nó được thiết kế để thuận tiện cho việc cầm trên tay trong thời gian ngắn. Đây cũng là loại nến có nhiều biến thể và màu sắc nhất trong các loại nến ở phương Tây.

Còn ở Việt Nam trong thời cận đại, loại nến này thường có màu đỏ hoặc trắng được dùng để thờ cúng gia tiên trong nhà, trong các chùa chiền hoặc cơ sở tôn giáo, không những vậy nó còn được sử dụng chỉ trong trường hợp . . . cúp điện.

Lưu ý khi sử dụng nến chuông:

  • Nếu để cầm tay thì phải nghiên 1 góc nhỏ, nếu không sáp dễ chảy vào tay.
  • Nếu để trên mặt phẳng thì phải nhỏ vài giọt sáp lên mặt phẳng để tạo độ bám dính.
  • Nhớ tắt đèn cầy khi . . . hết cúp điện.

4. Nến ly (container candles).

Nến ly (Container candles) là loại nến được đổ vào bên trong một chiếc ly thủy tinh, ly gốm sứ hoặc bất kỳ vật liệu chịu nhiệt nào khác. Nến ly có thể được làm từ bất kỳ loại sáp nào. Tim đèn sau đó được đặt vào chính giữa và cố định trong lớp sáp đã đổ. Khi nến cháy, sáp nóng chảy ra bên trong hũ thay vì chảy xuống thành nến giống như nến trụ hay nến thon truyền thống. Đặc điểm tự chứa này khiến nến hũ trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều người, mang lại trải nghiệm đốt nến sạch sẽ an toàn và tiện lợi.

nến ly- container candle - green garden-01-01
nến ly- container candle

Điểm mạnh của nến ly (container candles):

  • Sạch sẽ: Sáp nóng chảy bên trong ly, không bị chảy ra ngoài gây bẩn.
  • Tiện lợi: Dễ dàng di chuyển và sử dụng mà không cần đế nến riêng.
  • An toàn: Ly chịu nhiệt giúp ngăn ngừa cháy lan.
  • Thơm lâu: Mùi hương được giữ lâu hơn nhờ vào ly chứa.
  • Thẩm mỹ: Ly đựng đẹp mắt, góp phần trang trí không gian.

Nhược điểm của nến ly (container candles):

  • Giá thành thường cao hơn nến trụ hoặc nến thon do chi phí hũ đựng.
  • Ánh sáng yếu hơn nến trụ hoặc nến thon do bị hũ che bớt.

Loại sáp (wax) và bấc (wick) thường dùng làm nến ly (container candles): Do đựng bên trong một vật chứa, nên loại nến này có thể dùng bất cứ loại sáp và bấc nào để làm.

Khối lượng và thời gian cháy thông thường: nến ly không có một khối lượng nhất định do các hãng nến luôn đặt nến trong một vật chứa riêng. Các khối lượng thường thấy từ 100gr cho đến 3kg đều có. Nhưng thông thường nến ly có khối lượng 200gr và thời gian cháy lên đến 45 giờ.

Ứng Dụng:

  • Trang trí nhà cửa: Nến hũ thường được sử dụng để trang trí bàn ăn, bàn trà, phòng khách, phòng ngủ,… tạo bầu không khí ấm cúng, lãng mạn.
  • Thư giãn: Mùi hương của nến hũ giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng.
  • Quà tặng: Nến hũ là món quà tặng ý nghĩa cho bạn bè, người thân trong các dịp đặc biệt.

Lưu ý: Nến ly khi khá an toàn khi sử dụng, nhưng lưu ý rằng :

  • không đốt nến qua đêm
  • không đốt trong phòng ngủ kín khí.
  • một số loại nến làm từ gel trong suốt có thể làm bể ly chứa

5. Nến Tealight (tea-light or t-candle).

Nến tealight (tea-light, tea light, tea candle, tea lite, t-lite or t-candle) hay còn gọi là nến ly nhỏ, là loại nến có kích thước nhỏ gọn, thường được đựng trong ly kim loại mỏng để nến có thể hóa lỏng hoàn toàn khi thắp sáng. Nến tealight là một loại nến hiện đại thường được dùng để trang trí hoặc để hâm nóng thức ăn trên bàn tiệc.

Nến tealight - t-candle - green garden-01
Nến tealight – tealight candle

Điểm mạnh của nến tealight:

  • Kích thước nhỏ gọn: Nến tealight có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng mang theo và sử dụng trong mọi không gian.
  • Giá thành rẻ: Nến tealight có giá thành rẻ so với các loại nến khác.
  • An toàn: Nến tealight được đặt trong khay nhôm hoặc nhựa mỏng, giúp hạn chế nguy cơ cháy lan.
  • Dễ dàng sử dụng: Nến tealight rất dễ dàng sử dụng, chỉ cần thắp lửa và đặt vào vị trí mong muốn.

Nhược điểm của nến tealight:

  • Thời gian cháy ngắn: từ 1-2 giờ
  • Dễ đổ khi sáp hóa lỏng.

Loại sáp (wax) và bấc (wick) thường dùng làm nến tealight: Do đựng bên trong một vật chứa, nên loại nến này có thể dùng bất cứ loại sáp và bấc nào để làm.

Khối lượng và thời gian cháy thông thường: 10-15gr và cháy trong 1-2 giờ.

Ứng dụng của nến tealight:

  • Trang trí: Nến tealight thường được sử dụng để trang trí bàn ăn, bàn trà, phòng khách, phòng ngủ,… tạo bầu không khí ấm cúng, lãng mạn.
  • Hâm nóng thức ăn: trong một số món ăn (như món lẩu chocolate) nến tealight được dùng để giữ ấm cho thức ăn
  • Sự kiện: Nến tealight có thể được sử dụng trong các sự kiện đặc biệt như: sinh nhật, đám cưới, lễ hội,…

Lưu ý khi sử dụng nến tealight:

  • Đặt nến tealight trên bề mặt phẳng, chắc chắn và tránh xa các vật dễ cháy.
  • Không đốt nến tealight gần rèm cửa, màn sáo.
  • Để nến tealight nguội hoàn toàn trước khi di chuyển hoặc cất giữ.

6. Nến nổi (floating candles).

Nến nổi hay còn gọi là nến thả nước (Floating Candles) là loại nến chuyên dụng được thiết kế để có thể thả nổi trên mặt nước. Nến nổi thường được làm từ các loại sáp có nguồn gốc từ thực vật và có khả năng phân hủy hoàn toàn mà không gây hại cho trong môi trường. Nến nổi có hình tròn và có khối lượng riêng (d) nhỏ hơn nước để nó có thể nổi ở bất cứ môi trường nào.

Nến nổi - floating candle
Nến nổi – floating candle

Điểm mạnh của nến nổi (floating candle): điểm mạnh của nến nổi nằm ở khả năng tạo hiệu ứng thị giác, và an toàn.

Nhược điểm của nến nổi (floating candle): Luôn bị sáp thừa vì nến nổi không có khả năng cháy hết, có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không được làm từ sáp có khả năng phân hủy sinh học. Ngoài ra, cần phải có người giám sát trong quá trình đốt và công tác thu hồi nến nổi sau khi đốt xong.

Loại sáp (wax) và bấc (wick) thường dùng làm nến nổi (floating candles): vật liệu làm nến nổi phải đáp ứng 2 tiêu chí sau:

  • Có khối lượng riêng nhẹ hơn nước (d<1g/ml).
  • Có nguồn gốc thực vật và có khả năng phân hủy sinh học

Vì vậy sáp ong (beeswax), sáp đậu nành (soy wax), sáp dầu dừa (coconut wax) kết hợp với sợi bấc cotton là tốt nhất cho loại nến này.

Khối lượng và thời gian cháy thông thường: nến nổi có kích thước tầm 8cm x 3cm, thời gian cháy trung bình từ 6-8 giờ ở điều kiện trong nhà.

Ứng dụng của nến nổi (floating candle):

  • Trang trí và tạo hiệu ứng thị giác trong nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi.
  • Trong tôn giáo và tâm linh, nến nổi thường được dùng để cầu nguyện trong mốt số dịp nhất định

Các lưu ý khi sử dụng nến nổi:

  • Khi sử dụng trong nhà, cần phải để ý đến mực nước của bình chứa nến nổi.
  • Khi sử dụng ngoài trời, cần sắp đặt nhân sự theo dõi nến và duy trì công tác vớt sau khi nến nổi cháy hết.
  • không sử dụng nến nổi sai mục đích.

7. Nến trang trí (novelty candles).

Nến trang trí (novelty candles) là loại nến được thiết kế với nhiều hình dạng, màu sắc và kiểu dáng độc đáo, khác biệt so với nến thông thường. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, nến trang trí là một loại nến không tuân theo bất kì nguyên tắc nào và mang hơi hướng trang trí và nghệ thuật hơn là công năng thì được gọi là nến novelty.

Nến nghệ thuật- novelty candle
Nến nghệ thuật- novelty candle

Do đây là loại nến mang tính thẩm mỹ hơn là công năng, vì vậy không có bất cứ tiêu chuẩn nào để đánh giá các loại nến này. Nếu cần phải đưa ra đánh giá thì ta dùng các quy tắc mỹ thuật và thẩm mỹ sẽ khách quan hơn. Loại nến này không thường dùng để thắp mà dùng để trang trí và tạo hiệu ứng thẩm mỹ cho một không gian.

Kết luận.

Hệ thống phân loại nến được đề xuất trong bài viết này là một công cụ hữu ích giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Hệ thống phân loại này cũng có thể được áp dụng trong các hoạt động nghiên cứu và sản xuất nến.

Bài viết này chỉ đề cập đến hệ thống phân loại nến cơ bản. Trong thực tế, có thể có nhiều cách phân loại nến khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về nến.

3 thoughts on “Hệ thống phân loại nến (candles) dựa trên hình thức và ứng dụng.

  1. Pingback: Giải mã khoa học về ngọn nến: nến cháy thế nào?

  2. Pingback: Nến bị lõm bề mặt - candle tunneling: cách khắc phục.

  3. Pingback: Nến thơm (scented candle) là gì? Cách phân loại nến thơm. - Handmade Soaps - Green Garden

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *