Một trong 2 thành phần chính của nến là sáp, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng, độ cháy và tính an toàn của sản phẩm. Bài viết này nhằm mục đích định nghĩa, tổng hợp và phân loại các loại sáp trong nến phổ biến hiện nay, đồng thời đánh giá ưu nhược điểm của từng loại để giúp người đọc có cái nhìn khách quan khi lựa chọn nến và các sản phẩm liên quan.
Đối với mỗi loại sáp, bài viết sẽ phân tích các đặc tính, ưu nhược điểm, ứng dụng và so sánh với các loại sáp khác. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ đề cập đến một số vấn đề liên quan đến chất lượng, an toàn và xu hướng sử dụng sáp nến trong tương lai.
Đọc thêm:
- Giải mã khoa học về ngọn nến: nến cháy thế nào?
- Sợi bấc trong cây nến: cấu tạo, nguyên liệu và ảnh hưởng đến chất lượng nến.
- Từ ngọn lửa thiêng của sự sống đến ngọn lửa của nến sáp ong.
- Hệ thống phân loại nến (candles) dựa trên hình thức và ứng dụng.
Xem nhanh
Sáp (wax) là gì?
Sáp (wax) là một thuật ngữ được sử dụng để phân loại một nhóm các hợp chất hóa học mềm dẻo ở nhiệt độ phòng và đồng thời là một loại chất béo (lipid). Trong nhiều thế kỷ, con người đã tận dụng nguồn tài nguyên phong phú từ tự nhiên để sản xuất sáp, bao gồm mỡ động vật, dầu thực vật, chất dạng sáp từ côn trùng, thực vật và thậm chí cả đá.
Theo các nhà khoa học, sáp có thể được định nghĩa dựa trên các đặc điểm sau:
- Trạng thái: Ở nhiệt độ phòng, sáp tồn tại dưới dạng rắn, nhưng chuyển sang trạng thái lỏng khi được nung nóng đến nhiệt độ cao hơn.
- Cấu trúc hóa học: Chủ yếu được cấu tạo bởi các hydrocacbon.
- Cách điện: Sáp là chất cách điện tốt, có nghĩa là nó không dẫn điện.
- Tính chất kỵ nước: Không tan trong nước, đẩy nước.
- Cảm quan: Bề mặt mịn màng, có thể đánh bóng dưới tác động nhẹ.
- Tính độc hại: Ít độc hại và phản ứng hóa học thấp (trơ).
- Mùi: Mùi nhẹ hoặc không có mùi.
Sáp được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như đóng gói, phủ bề mặt, mỹ phẩm, thực phẩm, keo dán, mực in, đúc tượng, bút chì màu, kẹo cao su, đánh bóng và tất nhiên, không thể thiếu trong sản xuất nến.
Trong ngành sản xuất nến, sáp là một chất bán rắn, dễ cháy và chuyển thành chất lỏng khi được đun nóng ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ phòng. Nói cách khác, sáp chính là “nguyên liệu” cung cấp năng lượng cho sự cháy của nến. Khi nến được thắp sáng, sáp nóng chảy, bay hơi và cháy, tạo ra nhiệt và ánh sáng. Ngày nay, sáp còn có thể được tạo ra từ hầu hết mọi loại dầu, mang lại nhiều lựa chọn cho việc sản xuất nến.
Sự phát triển của Sáp nến: Từ mỡ động vật đến sáp thực vật.
Những nền văn minh sơ khai chủ yếu dựa vào nguyên liệu sẵn có để duy trì ngọn lửa. Người Ai Cập cổ đại và La Mã thời kỳ đầu thường dùng mỡ động vật (tallow) lấy từ cừu, bò để làm nến. Một tài liệu từ thế kỷ 18 còn cho biết mỡ lợn không thích hợp làm nến vì gây chảy nước mắt, có mùi khó chịu và tạo khói đen dày.
Tại phương Đông: Ở Trung Quốc, sáp ong đã được sử dụng làm nến từ thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên), và sáp nến có nguồn gốc từ sáp ong đã được làm vào thế kỷ 12. Người Nhật Bản thời kỳ đầu dùng chiết xuất từ hạt dẻ để làm sáp nến, trong khi người Ấn Độ thì đun sôi quả của cây quế để lấy sáp.
Sáp ong được du nhập vào châu Âu vào thời Trung cổ, nhưng hiếm khi được sử dụng trong nhà do giá thành đắt đỏ. Khi đó mỡ động vật (tallow) vẫn là loại sáp nến thông dụng hàng ngày ở châu Âu và châu Mỹ cho đến thế kỷ 18. Sau đó, ngành săn cá voi thúc đẩy sự phát triển của sáp spermaceti – loại sáp cháy sạch, ít mùi, được chiết xuất từ dầu đầu của cá nhà táng.
Sáp spermaceti thống trị thị trường sáp nến cho đến giữa thế kỷ 19, khi sáp stearin và sau đó là sáp paraffin ra đời. Sáp stearin được sản xuất từ axit stearic chiết xuất từ mỡ động vật, được sử dụng rộng rãi ở châu Âu. Sáp paraffin, ra đời sau khi các nhà hóa học tìm ra cách chiết tách chất sáp tự nhiên khỏi dầu mỏ trong quá trình lọc dầu, đã trở thành tiêu chuẩn cho sáp nến ở Tây bán cầu.
Trong nửa cuối thế kỷ 20, nhiều loại sáp tổng hợp và nhân tạo, bao gồm cả sáp gel (một loại sáp từ dầu mỏ), đã được phát triển chủ yếu cho các loại nến đặc biệt. Hai loại sáp nến có nguồn gốc thực vật – sáp đậu nành và sáp cọ – được phát triển để sử dụng thương mại trong thị trường nến vào cuối những năm 1990 bằng cách hydro hóa (Hydrogenated) dầu đậu nành và dầu cọ.
Mãi đến năm 2010, các nước có sản lượng dầu dừa xuất khẩu lớn như Việt Nam, Philipine, Indonesia và Ấn Độ mới bắt đầu hydro hóa dầu dừa để tạo ra sáp dừa và đưa vào thương mại. Sáp dừa trở thành một lựa chọn mới cho những dòng nến cao cấp trên thị trường.
Ngày nay, paraffin là loại sáp nến được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Sáp ong vẫn được dùng nhưng với số lượng ít hơn đáng kể. Sáp stearin chủ yếu được sử dụng ở châu Âu. Sáp đậu nành, sáp cọ, sáp dừa, sáp gel, sáp tổng hợp và sáp nhân tạo cũng đang được phối ghép trong nhiều dòng nến khác nhau, từ các loại nến phổ thông đến các dòng nến cao cấp.
Các loại sáp làm nến thông dụng.
Có rất nhiều loại sáp khác nhau và mỗi loại lại có những đặc điểm riêng biệt, phù hợp để tạo ra các kiểu nến cụ thể. Một số loại sáp thích hợp để làm nến trụ, trong khi những loại khác lại hoạt động tốt hơn khi sử dụng trong khuôn chứa. Bên cạnh đó, một số sáp không màu và không mùi, trong khi một số khác lại có mùi hương và màu sắc tự nhiên mà không cần thêm phụ gia. Nhưng tựu chung lại, chỉ có một vài loại sáp thông dụng dưới đây:
1. Sáp paraffin (paraffin wax).
Sáp paraffin (INCI: cera microcristallina) ra đời từ những năm 1830, đánh dấu bước ngoặt của ngành sản xuất nến trong cuộc Cách mạng Công nghiệp. Về mặt hóa học, sáp paraffin có nguồn gốc từ dầu mỏ (nhiên liệu hóa thạch). Sau khi khai thác, sáp paraffin được tách ra khỏi dầu thô thông qua quá trình chưng cất và kết tinh. Công nghệ tách paraffin công nghiệp cho phép sản xuất nến với số lượng lớn và giá thành thấp hơn.
Sáp paraffin hiện đang là loại sáp được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất nến. Lý do cho sự thống trị này đến từ nhiều ưu điểm vượt trội:
- Tiết kiệm chi phí: Là sản phẩm phụ từ ngành công nghiệp dầu mỏ, sáp Paraffin có giá thành rẻ, dễ dàng vận chuyển và lưu trữ.
- Giữ mùi và màu tốt: Đặc tính này giúp tạo ra những cây nến rực rỡ, thơm nồng, lý tưởng cho các loại nến chứa nhiều hương liệu và màu sắc.
- Thời gian cháy dài: Nến làm từ sáp Paraffin thường có thời gian cháy tương đối lâu, mang lại hiệu quả sử dụng cao.
- Ứng dụng đa dạng: Sáp Paraffin có thể dùng để sản xuất nhiều kiểu nến khác nhau, từ nến trụ đến nến container.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, sáp paraffin cũng có một nhược điểm đáng chú ý:
- Tạo ra muội than: Quá trình đốt cháy sáp paraffin có thể giải phóng muội than, gây ảnh hưởng đến môi trường. Điều này khiến sáp paraffin dần mất đi vị thế độc tôn so với các loại sáp từ thực vật hiện đại hơn.
- Paraffin là nguồn vật liệu không tái tạo: các nhà hoạt động vì môi trường ngày nay đều xếp các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ vào loại nguyên liệu không tái tạo (un-recycle material) có hại cho môi trường. Điều này làm hạn chế các nhà sản xuất sử dụng paraffin trong các loại nến của mình.
Tranh cãi: Một số người cho rằng sáp paraffin độc hại với môi trường do có nguồn gốc từ dầu mỏ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sáp paraffin trong nến gây độc hại cho con người. Chưa có nghiên cứu khoa học uy tín nào cho thấy bất kỳ loại sáp nến nào, kể cả paraffin, gây hại cho sức khỏe con người. Mặt khác, việc tận dụng các thành phần phụ trong quá trình lọc dầu mỏ cũng góp phần giảm thiểu lãng phí tài nguyên.
2. Sáp ong (beeswax)
Sáp ong (INCI: Cera Alba) là một trong những loại sáp làm nến lâu đời và thân thiện với môi trường nhất. Được tạo ra từ tám tuyến tiết sáp nằm trên bụng của ong mật, sáp ong đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tổ ong, chứa đựng mật ong và bảo vệ ấu trùng. Sau khi thu hoạch mật ong, người nuôi ong sẽ tách riêng phần nắp tổ và sáp ong để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có sản xuất nến. Nến từ Sáp ong có màu vàng đặc trưng và có hương thơm nhẹ.
Sáp ong được ưa chuộng bởi những đặc tính nổi bật:
- Tự nhiên và an toàn: Là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên từ ong mật, sáp ong không chứa hóa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe người dùng.
- Thời gian cháy dài: Nến sáp ong có thời gian cháy lý tưởng, mang lại ánh sáng lung linh kéo dài.
- Không khói và thanh lọc không khí: Quá trình đốt cháy sáp ong diễn ra sạch sẽ, không tạo khói đen và thậm chí còn có khả năng lọc sạch không khí, mang lại bầu không gian trong lành.
- Ánh sáng vàng ấm áp: Ngọn lửa của nến sáp ong tạo ra ánh sáng vàng ấm áp, mang đến cảm giác thư giãn và dễ chịu.
- Ít nhỏ giọt: Sáp ong có độ đông đặc cao, hạn chế tình trạng nhỏ giọt trong quá trình đốt, giúp giữ cho nến và không gian xung quanh luôn sạch sẽ.
Tuy nhiên, sáp ong cũng có một số hạn chế:
- Giá thành cao: Do là sản phẩm tự nhiên và quá trình thu hoạch tốn nhiều công sức, sáp ong thường có giá thành cao hơn các loại sáp khác.
- Mùi hương đặc trưng: Sáp ong có mùi mật ong nhẹ tự nhiên. Mặc dù mùi hương này dễ chịu với nhiều người, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến việc thêm các mùi hương khác vào nến.
- Độ cứng: Nến sáp ong 100% thường cứng, khi để ở các môi trường khô và lạnh dưới 10 độ C nến có thể bị nứt, để hạn chế điều này, các nhà sản xuất có thể trộn với sáp đậu nành, sáp dừa hoặc bơ shea để làm mềm nến.
Sáp ong là một trong những loại sáp đậm đặc nhất và có điểm nóng chảy cao. Điều này có nghĩa là sáp ong không cần bất kỳ chất làm cứng, chất phụ gia hoặc phương pháp xử lý hóa học nào để tạo ra nến, Ngoài ra, nến sáp ong cũng khá kén bấc (tim nến) do có độ đặc và độ nhớt cao nên dễ gây tắc nghẽn trong quá trình cháy. Vì vậy, nến sáp ong là loại nến cần những người thợ có tay nghề cao chế tạo. Học giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần còn cho rằng những ngọn lửa thiêng trong chùa chiền và nơi thờ tự chỉ nên được thắp bằng cây nến sáp ong.
Ngày nay, người ta đã vô tâm đem đèn điện thay vào đèn cầy làm bằng sáp ong… đó là một điều cấm ky to lớn. Đó là đem cái chết thay vào cái sống. Cho nên sự linh thiêng mất đi nhiều trong việc cúng tế thần linh, mà có ai biết?
Thay thế bóng đèn điện cho những cây đèn sáp là một việc vô nghĩa và phạm phép đáng tiếc!
Thu Giang – Nguyễn Duy Cần – sách Dịch Tượng Luận – chương Lửa Thiêng.
3. Sáp đậu nành (soy wax).
Sáp đậu nành (INCI: Hydrogenated Soybean Wax) là một loại sáp thực vật được làm từ dầu đậu nành. Đậu nành sau khi thu hoạch được làm sạch, nứt vỏ, tách vỏ và phơi khô. Dầu sau đó được ép từ các hạt đậu nành và được đem đi hydro hóa hoàn toàn. Quá trình hydro hóa chuyển đổi một số axit béo trong dầu từ chưa bão hòa sang bão hòa. Về mặt hóa học, sáp đậu nành là một chất béo trung tính, chứa tỷ lệ axit stearic cao, nó thường mềm hơn sáp paraffin và có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn sáp ong.
Sáp đậu nành đang ngày càng được ưa chuộng trong sản xuất nến bởi những ưu điểm vượt trội so với sáp paraffin truyền thống:
- Thân thiện với môi trường: Được làm từ dầu đậu nành – nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo, sáp đậu nành là lựa chọn an toàn hơn cho môi trường so với sáp paraffin có nguồn gốc từ dầu mỏ.
- Thời gian cháy dài: Nến sáp đậu nành cháy chậm hơn nến paraffin, giúp bạn tận hưởng ánh sáng lung linh lâu hơn.
- Tỏa hương tinh tế: Sáp đậu nành lưu giữ mùi hương tinh tế, dịu nhẹ, thích hợp với những ai yêu thích hương thơm nhẹ nhàng. Đây cũng là ưu điểm giúp mùi hương gốc của nến được thể hiện rõ nét hơn.
- Ít muội than: Quá trình đốt cháy sáp đậu nành gần như không tạo ra muội than, giúp không gian luôn sạch sẽ và trong lành.
- An toàn cho sức khỏe: Sáp đậu nành là nguyên liệu tự nhiên, không chứa độc tố, an toàn cho sức khỏe người dùng, đặc biệt phù hợp với gia đình có trẻ em và vật nuôi.
- Dễ dàng tạo màu và mùi hương: Sáp đậu nành dễ dàng phối hợp với các loại màu sắc và tinh dầu thơm, giúp bạn tạo ra những cây nến độc đáo theo sở thích.
- không kén bấc (tim nến): do sáp đậu nành có nhiệt độ chảy thấp, độ thẩm thấu cao nên sáp đậu nành phù hợp với nhiều loại bấc khác nhau
Tuy nhiên, sáp đậu nành cũng có một số hạn chế:
- Giá thành: So với sáp paraffin, sáp đậu nành thường có giá cao hơn.
- Độ cứng: Sáp đậu nành mềm hơn sáp paraffin, và sáp ong vì vậy thường được sử dụng để làm nến đựng trong hũ, ly hoặc cốc trà.
- Mùi hương nhẹ: Mặc dù giữ mùi hương tốt, nhưng sáp đậu nành thường khuếch tán mùi hương nhẹ hơn so với sáp paraffin.
Ngày nay, các hãng sản xuất nến cao cấp hàng đầu thế giới luôn cân nhắc sử dụng sáp đậu nành trong các sản phẩm của mình. Các loại nến có giá hơn 10 triệu đồng cho một cốc thường có thành phần sáp đậu nành, sáp dừa pha với sáp ong theo một tỷ lệ bí mật, bởi sáp đậu nành có những ưu điểm nổi bật về thời gian cháy, sạch sẽ, độ an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
4. Sáp dừa (coconut wax).
Sáp dừa (INCI: Hydrogenated Coconut Wax) được sản xuất bằng cách ép dầu dừa ra khỏi cùi dừa và trải qua quá trình hydro hóa (phương pháp này hoàn toàn giống với sáp đậu nành). Sáp dừa được lọc và làm sạch để mang lại cho bạn loại sáp 100% tự nhiên và có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn.
Sáp dừa là một loại nguyên liệu mới nhất trong ngành làm nến, Vì trong quá khứ, công nghệ hydro hóa không được phổ biến như hiện tại và sản lượng dầu dừa không đủ đáp ứng cho thị trường. Vài năm gần đây, một vài công ty ở VN đã nhập dây chuyền Hydro hóa và bắt đầu sản xuất sáp dừa thương mại.
Sáp dầu dừa đang nổi lên là một lựa chọn hấp dẫn trong thế giới nguyên liệu làm nến bởi những ưu điểm về tính bền vững và khả năng tạo ra những cây nến tuyệt vời.
- Tự nhiên và bền vững: Được chiết xuất từ dầu dừa – nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo, sáp dầu dừa là lựa chọn bền vững, an toàn cho môi trường.
- Thời gian cháy dài: Nến sáp dầu dừa có thời gian cháy chậm, tiết kiệm nhiên liệu và mang lại ánh sáng lung linh kéo dài.
- Khả năng lưu hương tinh tế: Mặc dù có tên là sáp dầu dừa, nhưng sản phẩm này hầu như không có mùi. Ngược lại, sáp dầu dừa có khả năng lưu giữ mùi hương rất tốt, giúp bạn tận hưởng trọn vẹn các loại tinh dầu thơm yêu thích.
- Ít muội than: Quá trình đốt cháy sáp dầu dừa hạn chế tối đa việc hình thành muội than, đảm bảo không gian luôn trong lành, sạch sẽ.
- Kết cấu mịn màng: Sáp dầu dừa có màu trắng ngà, mềm mịn, lý tưởng để tạo những cây nến dạng thỏi hoặc đổ khuôn. Tuy nhiên, do độ mềm nhất định, sáp dầu dừa thường được kết hợp với các loại sáp khác để tạo độ cứng cáp cho nến trụ.
- Tính linh hoạt: Sáp dầu dừa có thể dễ dàng kết hợp với các loại sáp khác như sáp ong hay sáp đậu nành để tạo ra những hỗn hợp sáp với các đặc tính mong muốn.
Tuy nhiên, sáp dầu dừa cũng có một hạn chế:
- Giá thành: So với một số loại sáp khác, sáp dầu dừa thường có giá cao hơn.
- Độ nóng chảy và độ cứng thấp: vì vậy sáp dừa phải kết hợp với một số loại sáp khác.
Nhìn chung, sáp dầu dừa là lựa chọn tuyệt vời cho những dòng nến thơm chất lượng cao, thời gian cháy dài, đồng thời mang tính bền vững và an toàn cho sức khỏe. Mặc dù giá thành có nhỉnh hơn một chút, nhưng những ưu điểm vượt trội về khả năng giữ mùi, cháy sạch và thân thiện với môi trường xứng đáng để cân nhắc sử dụng sáp dầu dừa cho việc làm nến.
5. Sáp nến trong suốt (gel wax)
Sáp trong suốt (Gel Wax) Sáp gel là một loại sáp trong suốt hoặc mờ có độ đặc như thạch. Nó được tạo ra bằng cách kết hợp giữa dầu khoáng (mineral oil) và nhựa polymer, điều này giúp sáp có tốc độ nóng chảy chậm và thời gian cháy lâu. Sáp gel không phải là một loại sáp từ thực vật hay động vật, mà nó có nguồn gốc từ dầu hỏa (petroleum base)
Đây là lựa chọn lý tưởng cho nến đựng trong hộp thủy tinh trong suốt, bởi bạn có thể dễ dàng sáng tạo với các vật trang trí như hoa khô, vỏ sò,…bên trong nến trước khi đổ gel.
Ưu điểm nổi bật của sáp trong suốt:
- Tạo hiệu ứng trang trí tuyệt đẹp: Đặc tính trong suốt của sáp gel cho phép thỏa sức sáng tạo với các vật trang trí bên trong nến. Nhà sản xuất có thể dễ dàng tạo ra những hũ nến lung linh, bắt mắt bằng cách đặt hoa khô, vỏ sò hoặc các vật dụng nhỏ xinh vào đáy hũ trước khi đổ sáp gel.
- Độ sáng cao: Nến từ gel tỏa ra ánh sáng rất rực rỡ, gần gấp đôi so với nến sáp thông thường, mang lại hiệu ứng lung linh ấn tượng cho không gian.
- Thời gian cháy dài: Nến gel có thời gian cháy gần gấp đôi nến sáp thông thường.
Tuy nhiên, sáp trong suốt cũng có một số nhược điểm cần lưu ý:
- Không thân thiện với môi trường: Gel wax được tạo thành từ dầu khoáng và nhựa thông, không phải là vật liệu tự nhiên và khó phân hủy.
- Nguy cơ nứt vỡ dụng cụ chứa: Nhiệt độ nóng chảy của sáp gel cao hơn nến sáp thông thường, có thể khiến dụng cụ chứa bằng thủy tinh mỏng bị nứt vỡ nếu không chịu được nhiệt.
- Mềm và cần dụng cụ chứa: Sáp gel có độ mềm, dễ đổ, cần đựng trong dụng cụ chuyên dụng để tránh bị đổ ra ngoài.
- Tạo ra muội than: Giống như nến paraffin, nến gel cũng giải phóng muội than trong quá trình đốt cháy.
Nhìn chung, sáp trong suốt là lựa chọn thú vị để tạo ra những cây nến trang trí đẹp mắt, lung linh. Tuy nhiên, nhược điểm về tính thân thiện với môi trường và nguy cơ nứt vỡ ly đựng cùng với tính an toàn cần được lưu ý khi sử dụng loại sáp này.
Trên đây là 5 loại sáp phổ biến nhất trong ngành công nghiệp sản xuất nến, ngoài ra còn có rất nhiều các loại sáp khác như: sáp cọ (palm wax) sáp từ dầu thực vật (vegetable wax), mỡ bò hay mỡ cừu (tallow), sáp từ dầu cá (fish wax) v.v… nhưng chỉ với 5 loại sáp trên, các nhà sản xuất nến có thể phối trộn lên đến hàng nghìn công thức, cho ra đời vô số các mẫu nến cho các nhu cầu và mục đích khác nhau.
Tính an toàn của các loại sáp nến.
Một nghiên cứu năm 2007 và nghiên cứu năm 2014 do Hiệp hội Nến Châu Âu tài trợ đã kiểm tra mọi loại sáp làm nến để tìm kiếm các loại hóa chất độc hại (nếu có) trong sáp nến bao gồm paraffin. Kết quả như sau:
- Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ hóa chất do mỗi loại sáp nến tiết ra thấp hơn nhiều so với mức có thể gây ra các vấn đề sức khỏe con người.
- Vì vậy Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “trong điều kiện sử dụng bình thường, nến không gây ra những rủi ro sức khỏe cho người dùng”.
Tại thời điểm này, không có bằng chứng thuyết phục hay nghiên cứu khoa học nào cho thấy việc đốt sáp nến từ paraffin hoặc bất kỳ loại nến nào có hại cho sức khỏe của con người [Nguồn]. [Nguồn NY]
Nikaeta Sadekar, một nhà nghiên cứu về chất độc hô hấp của Viện nghiên cứu vật liệu nước hoa phi lợi nhuận, đã đồng ý với kết luận trên. Cô cho biết, việc tiếp xúc với các hóa chất phát ra từ nến thơm “thấp đến mức chúng không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe con người”. “Ngay cả những người sử dụng nến thơm và các sản phẩm có mùi thơm khác nhiều nhất cũng không đặt mình vào bất kỳ nguy cơ gây hại đáng kể nào.”
Tuy nhiên, Hiệp hội Nến Quốc gia Khuyên rằng: chúng ta nên tuân thủ các quy tắc an toàn khi đốt nến, đốt nến ở khu vực thông thoáng để tránh bám mụi than. Những người có tiền sử hay có vấn đề về hô hấp như hen suyễn khi đốt nến nếu thấy khó chịu hãy cân nhắc việc đốt nến thơm mà chuyển qua nến không mùi.
Pingback: Sợi bấc trong cây nến: cấu tạo, nguyên liệu và ảnh hưởng đến nến.
Pingback: Hệ thống phân loại nến (candles) dựa trên hình thức và ứng dụng. - Handmade Soaps - Green Garden
Pingback: Nến thơm (scented candle) là gì? Cách phân loại nến thơm. - Handmade Soaps - Green Garden