Từ ngọn lửa thiêng của sự sống đến ngọn lửa của nến sáp ong.

Từ ngọn lửa thiêng của sự sống đến ngọn lửa từ nến sáp ong.

Theo Kinh Dịch, Ngọn lửa thiêng là căn nguyên của mọi sự sống (Vạn vật xuất hồ Chấn – Quẻ Chấn là căn ở quẻ Ly (lửa) – Thuyết Quái-Hạ Kinh). Pythagoras đã từng nói:

Ngọn lửa là sợi dây liên kết giữa Trời và Con Người.

Pythagore et les Mystères, Jean Mallinger, Éd. Niclaus, 1944

Nhưng có phải ngọn lửa nào cũng đủ tiêu chuẩn để làm sợi dây liên kết đó? một ngọn lửa như thế nào mới đủ để kết nối với Thần Linh, Trời Đất? Bài viết này sẽ giúp bạn xem xét các góc nhìn từ cổ nhân để thắp lên trong lòng mình một ngọn lửa thiêng kết nối với vũ trụ bên trong bạn.

Ngọn Lửa Thiêng Là Gì?

Ngọn lửa từ thời thượng cổ đã được xem là thiêng liêng và đóng vai trò trung tâm trong các nghi lễ cúng tế và tín ngưỡng tôn giáo trên khắp thế giới. Ngọn lửa mang nhiều tầng nghĩa biểu tượng phong phú, thể hiện mối liên kết giữa con người với thế giới tâm linh và thần thánh.

Từ nguồn gốc của lửa theo thần thoại Hy Lạp.

cây nến từ sáp ong cho ánh sáng đẹp
cây nến từ sáp ong cho ánh sáng đẹp

Theo thần thoại Hy Lạp, Prometheus là một Titan, con trai của Iapetus và Themis. Ông được biết đến với lòng nhân ái và trí tuệ phi thường. Khi nhìn thấy loài người mà các vị thần tạo ra phải sống trong cảnh tối tăm, lạnh lẽo và thiếu thốn, Prometheus vô cùng thương xót. Ông nhận ra rằng lửa là thứ cần thiết cho sự phát triển của con người, giúp họ nấu nướng thức ăn, sưởi ấm cơ thể, xua đuổi thú dữ và tạo ra ánh sáng. Tuy nhiên, Zeus, vị thần tối cao, lại cấm con người sử dụng lửa. Ngài muốn giữ lửa như một đặc quyền của các vị thần, để củng cố quyền lực và sự thống trị của mình. Bất chấp lệnh cấm của Zeus, Prometheus quyết tâm mang lửa xuống cho nhân loại. Ông lén lút lấy một ngọn lửa từ xe ngựa của Helios, vị thần Mặt Trời, và trao nó cho con người. Hành động của Prometheus khiến Zeus vô cùng tức giận. Ngài trừng phạt Prometheus một cách tàn khốc.

Tuy nhiên, Prometheus không hề hối hận về hành động của mình. Ông tin rằng con người có quyền được hưởng ngọn lửa thiêng liêng và nó sẽ giúp họ tiến bộ, văn minh. Nhờ ngọn lửa mà con người có thể nấu nướng thức ăn, sưởi ấm cơ thể, xua đuổi thú dữ, chế tạo công cụ và phát triển nền văn minh.

Đến những ngọn lửa thiêng trong Thiên Chúa Giáo

Lửa đóng vai trò quan trọng trong Kinh thánh và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trong Thiên Chúa giáo. Nó xuất hiện xuyên suốt lịch sử Kinh thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, tượng trưng cho nhiều khía cạnh khác nhau của Thiên Chúa và mối quan hệ của Ngài với con người.

Thiên Chúa thường được mô tả như ngọn lửa thiêng, tượng trưng cho sự thánh khiết, uy quyền và sức mạnh vô biên của Ngài. Ví dụ, trong sách Xuất Êgypti 3:2, Thiên Chúa hiện ra với Môsê trong bụi gai bốc lửa và trong sách Khải Huyền 21:23, thành phố Giê-ru-sa-lem mới được mô tả như “không cần mặt trời hay mặt trăng, vì vinh quang của Thiên Chúa đã soi sáng thành phố, và đèn của thành phố là Con Chiên.”

Lửa cũng tượng trưng cho sự thanh tẩy và thanh lọc. Trong Cựu Ước, các lễ vật hiến tế thường được đốt cháy trên lửa để dâng lên Thiên Chúa, tượng trưng cho việc thanh tẩy tội lỗi và làm sạch tâm hồn con người.

Và ngọn lửa theo triết lý Đông phương.

Ở phương Đông cổ đại, trong triết học Kinh Dịch cũng cho rằng, lửa trên thế gian là từ trời mang đến. Vì Quẻ Ly (lửa) là quẻ Dụng của quẻ Kiền (Trời), mà quẻ Ly không chỉ tượng trưng cho lửa mà còn tượng trưng cho mặt trời. Vì vậy cổ nhân đặt quẻ Ly Tiên Thiên ở phương Đông, nơi mặt trời mọc. Ngoài ra, Lửa còn có trong ngũ hành của văn hóa phương Đông: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Theo Can trong hệ thống Can Chi thì Bính là dương hỏa, Đinh là âm hỏa.

Quẻ ly - tượng cho ngọn lửa thiêng
Quẻ ly – tượng cho ngọn lửa thiêng

Trong Phật Giáo, Lửa là một trong bốn nguyên tố cơ bản của vạn hữu bao gồm Đất – Nước – Gió – Lửa. Ngọn Lửa cũng được Đức Phật dùng làm nhiều phép so sánh trong các bài giảng của Ngài. Trong những năm cuối cùng Đức Phật dạy thầy Anan rằng:

Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Tự mình thắp đuốc lên mà đi.

Saṃyutta Nikāya (Tương ưng bộ) – Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU dịch.

Vì vậy, Trong lịch sử nhân loại, con người luôn xem lửa là một hình thức thiêng liêng, là mối liên kết giữa con người và thần linh. Dù ngọn lửa có lớn hay nhỏ, do người đốt hay do thiên nhiên, cháy từ bất kì nguyên liệu gì thì đều được xem là một phép lạ và đều mang đến cho con người mối liên kết thần thánh.

Nhà hiền triết Pythagoras (Py-ta-go) xứ Samos từng nói:

Lửa là yếu tố thiết yếu trong mọi nghi lễ. Nó là sợi dây liên kết bền chặt kết nối giữa con người với Các Đấng Tối Cao.– Le Feu est l’adjuvant obligé de toutes les cérémonies rituelles. Il est le lien organique avec les Forces d’En-Haut et il établit le contact avec elles

Pythagore et les mystères – Jean Mallinge

Vì sao lại gán cho ngọn lửa sự linh thiêng?

Lửa, tưởng chừng như chỉ là một hiện tượng vật lý đơn thuần, ẩn chứa trong mình một bí ẩn sâu thẳm – bí ẩn về linh hồn. Cổ nhân cho rằng lửa giống như mọi sinh vật trên đời, Lửa cũng mang trong mình một Linh Hồn thiêng liêng, rực sáng và đầy sức sống.

các cây nến từ sáp ong ở gia đình
các cây nến từ sáp ong ở gia đình

Trong nhiều nền văn hóa, điều cấm kỵ đầu tiên đối với Lửa chính là tuyệt đối không được dập tắt nó bằng bất kỳ phương tiện nào. Bởi lẽ, đối với Lửa, cũng như đối với con người, có hai cách để kết thúc cuộc sống: hoặc bị dập tắt một cách tàn bạo, hoặc được phép sinh diệt một cách tự nhiên. Lửa tàn một cách tự nhiên, khi nguồn nhiên liệu cạn kiệt, là điều yên lành và tốt đẹp, thể hiện sự tuần hoàn tự nhiên của vạn vật.

Ở mặt nào đó, lửa cũng “sống” như con người! Nó hoạt động, sinh trưởng và biến đổi không ngừng. Ánh sáng rực rỡ của ngọn lửa mang đến sinh lực cho mọi vật xung quanh, giúp chúng tồn tại và phát triển. Lửa cũng biết tự vệ, chống lại những hành động tàn bạo muốn dập tắt nó. Khi bị tấn công, Lửa sẽ “phản kháng” bằng cách bùng lên dữ dội hơn, lan tỏa sức nóng và ánh sáng, bảo vệ bản thân khỏi sự hủy diệt phi lý.

Khi lửa tàn, lửa không thật sự “chết” đi mà chỉ là nó không đủ nhân duyên để biểu hiện mà thôi. Khi có đủ nhân đủ duyên thì lửa sẽ hiển thị trở lại, mạnh mẽ và ấm áp. Vì vậy, ngọn lửa dù ở thời đại nào, bất kể phương Đông hay Tây, đều được xem là hiện tượng linh thiêng. Mỗi ngọn lửa đều chứa đựng linh hồn của nó. Và cũng giống như con người, có ngọn lửa hủy diệt, thiêu cháy mọi thứ, cũng có ngọn lửa êm dịu giúp vạn vật sinh sôi

Và ngọn lửa từ nến sáp ong.

Người Ai Cập và Ba Tư Cổ cho rằng, Lửa, là món ăn của các vị thần linh. Vì vậy trong các đền thờ, đèn để cúng tế phải luôn được cháy sáng, không được sử dụng dầu hỏa từ đất mà phải để trong dầu olive hoặc sáp ong. Vì người ta cho rằng đèn từ sáp ong và olive cho ngọn lửa rất sáng trong, không tạo mụn đen và dễ tẩm tinh dầu có mùi hương thơm.

Trong các sự kiện trọng đại như Thế vận hội, nghi thức châm Lửa thiêng luôn được thực hiện một cách trang trọng và tôn nghiêm. Ngọn lửa thiêng được thắp lên tại nơi mộ người lính vô danh, tượng trưng cho những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, bừng cháy mãi mãi, như lời khẳng định cho sự bất tử của tinh thần anh dũng.

cây đèn với sáp ong và dầu olive trong các đền thờ
cây đèn với sáp ong và dầu olive trong các đền thờ

Tương tự, tại các đền đài, chùa chiền, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh ngọn lửa thiêng được gìn giữ bằng dầu hoặc nến sáp ong. Ngọn lửa ấy tượng trưng cho ánh sáng Phật pháp, cho niềm tin tâm linh và lòng hướng thiện của con người.

Dưới đây xin kết thúc bài viết bằng đoạn Trích Dẫn trong chương Lửa Thiêng từ sách Dịch Tượng Luận của Học Giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần.

Ngày nay, rất tiếc có những vị linh mục hay nhà sư không hiểu ý nghĩa thiêng liêng của các cây đèn sáp, lại thay vào bằng những bóng đèn điện trên bàn thờ. Thay thế bóng đèn điện những cây đèn sáp là một việc vô nghĩa và phạm phép đáng tiếc! Đối với lễ Tự nhiên của Tạo hóa. Họ đâu có biết những việc làm đó là đắc tội với Thần linh, vì đã làm gián đoạn ảnh hưởng giữa Trời và Người (coupé le pont magique entre la Divinité et l’esprit humain).

Hiền giả Pythagore nói: “Một đền thờ nào mà không có ngọn lửa thiêng là một đền chết, một cái vỏ u ám và trống không. (Un temple sans feu vivant est un être mort, un enveloppe terne et vide).

Ông lại còn nói: “Chớ bao giờ giảng về Đạo trong bóng tối, mà phải nói giữa Trời trong sáng, cũng không nên giảng đang lúc trời âm u mưa gió. Lửa là dây liên lạc giữa Trời và Con Người. (Le Feu est l’adjuvant obligé de toutes les cérémonies rituelles. Il est le lien organique avec les Forces d’En-Haut et il établit le contact avec elles). (Pythagore et les Mystères, Jean Mallinger, Éd. Niclaus, 1944)

Ngày nay, người ta đã vô tâm đem đèn điện thay vào đèn cầy làm bằng sáp ong… đó là một điều cấm ky to lớn. Đó là đem cái chết thay vào cái sống. Cho nên sự linh thiêng mất đi nhiều trong việc cúng tế thần linh, mà có ai biết? Thời nay là thời hắc ám, sa đọa, vô thần.

Trong các bậc Thánh trong đạo Thiên Chúa, thánh Francois d’Assises là người rất quý trọng Lửa. Người ta thuật rằng: Có một lần khi Ngài ngồi gần lò sưởi, bị lửa bắt cháy cái áo của Ngài. Ngài thản nhiên để cho cháy. Các đệ tử của Ngày chạy lại dập tắt. Ngài không cho, bảo: Chớ làm phật lòng người anh em!. Nhưng các đệ tử bất chấp lời cấm đoán của Ngài, cứu ngài. Thời thường, Ngài cấm không cho ai ném củi đang cháy ra ngoài và dập tắt bằng chân đạp lên, mà phải cung kính để cây củi đang cháy cho nó tự nhiên tắt…. Thái quá chăng? Nhưng đó là Người biết rõ Huyền bí của ngọn lửa hơn ai tất cả! Thánh Francois có được Lục thông một cách tự nhiên, nên nghe được và nói chuyện được với các loài cầm thú.

Thu Giang – Nguyễn Duy Cần – Sách Dịch Tượng Luận.